[ Viết ] Truyện “thuần Việt” là như thế nào

.

Bài viết trước  Phần 1:  “Rác phẩm” dưới góc nhìn văn hóa

.

Truyện “thuần Việt” là như thế nào

Được viết bởi:   Bạch Tử

.

Từ “thuần Việt” gần đây được sử dụng rất nhiều trên các diễn đàn văn học mạng để đánh giá một truyện có bị ảnh hưởng bởi trào lưu văn học nước ngoài hay không, đặc biệt là bị ảnh hưởng bởi ngôn tình, đam mỹ của Trung Quốc. Nhưng truyện “thuần Việt” là như thế nào thì lại không có tiêu chí rõ ràng, gây ra những tranh cãi luẩn quẩn giữa người đọc và người viết.

Tôi quan niệm rằng, khoa học nhân văn là ngành khoa học không có sự đúng tuyệt đối 100% cho nên bài viết này cũng không đúng 100%. Nhưng khi viết về một điều gì đó, bạn phải dựa trên một hệ thống cơ sở lý luận, phải có lập trường quan điểm. Và lý thuyết tôi sử dụng để khảo sát vấn đề truyện “thuần Việt” trong bài viết này là thuyết cấu trúc – loại hình về văn hóa. tức là xem xét truyện “thuần Việt” dưới góc nhìn văn hóa Việt Nam.

Chú ý về việc sử dụng từ ngữ của bài viết: Việt được dùng tương đương với Việt Nam;  Tác phẩm văn học được dùng tương đương với truyện, chỉ xét thể loại văn xuôi.

I. Khái quát về văn hóa Việt

Bài viết trước Phần 1 “Rác phẩm” dưới góc nhìn văn hóa đã nêu ra định nghĩa chung về văn hóa, hệ tọa độ văn hóa, các đặc trưng và chức năng của văn hóa. Cho nên, bài viết này sẽ đi thẳng vào việc định vị văn hóa Việt Nam, không lặp lại những vấn đề lý thuyết trên.

1. Định vị văn hóa Việt

1.1. Chủ thể

Văn hóa Việt Nam thuộc loại hình văn hóa gốc nông nghiệp lúa nước trọng tĩnh. Chủ thể văn hóa là 54 tộc người sống trên lãnh thổ Việt Nam, chủ thể chính là tộc người Kinh, tạo nên một tính thống nhất cao – một tính thống nhất trong sự đa dạng – của con người và văn hóa Việt Nam.

Cách ứng xử với môi trường tự nhiên, nghề trồng trọt buộc người dân phải sống định cư , do đó phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nên có ý thức tôn trọng và ước vọng sống hòa hợp với thiên nhiên.

Cách nhận thức hình thành lối tư duy tổng hợp, kéo theo tính biện chứng. Người nông nghiệp quan tâm không phải là các yếu tố riêng lẻ, mà là những mối quan hệ qua lại giữa chúng.

Cách tổ chức cộng đồng là đề cao nguyên tắc trọng tình, dẫn đến thái độ trọng đức, trọng văn, trọng phụ nữ. Tư duy tổng hợp và biện chứng, cộng với nguyên tắc trọng tình, dẫn đến lối sống linh hoạt. Sống tình cảm, con người phải tôn trọng và cư xử bình đẳng, dẫn đến tâm lí trọng cộng đồng, tập thể. Mặt trái của tính linh hoạt là thói tùy tiện, thiếu tôn trọng pháp luật, tính tổ chức kém.

Cách ứng xử với môi trường xã hội là thái độ dung hợp trong tiếp nhận các luồng văn hóa ngoại lai, thái độ mềm dẻo hòa hiếu nhưng không kém phần quyết liệt trong chiến tranh.

1.2. Không gian

Hoàn cảnh địa lý – khí hậu Việt Nam có ba đặc điểm cơ bản: xứ nóng, sông nước, nơi giao điểm của các nền văn hóa văn minh. Xét từ cội nguồn, không gian văn hóa Việt Nam vốn được định hình trên nền của không gian văn hóa Đông Nam Á cổ đại, khu vực cư trú của người Bách Việt cổ. Nhưng quá trình phát triển lịch sử – xã hội của Việt Nam đã bị chi phối mạnh bởi các quan hệ giao lưu văn hóa rộng rãi với Đông Nam Á, Trung Hoa, Ấn Độ, Phương Tây. Việt Nam được chia ra 6 vùng văn hóa như sau:

1. Vùng văn hóa Tây Bắc: là khu vực bao gồm hệ thống núi non trùng điệp bên hữu ngạn sông Hồng (lưu vực sông Đà) kéo dài tới Bắc Thanh Nghệ. Ở đây có trên 20 tộc người cư trú trong đó tộc Thái, Mường có thể xem là đại diện. Biểu tượng cho vùng văn hóa này là hệ thống mương phai ngăn suối dẫn nước vào đồng, nghệ thuật trang trí tinh thế trên khăn piêu Thái, cặp váy Mường, âm nhạc khèn sáo, múa xòe…

2. Vùng văn hóa Việt Bắc: là khu vực bao gồm hệ thống núi non hiểm trở bên tả ngạn sông Hồng. Cư dân vùng này chủ yếu là người Tày, Nùng, trang phục giả dị với màu đen màu chàm, lễ hội Lồng tồng, hệ thống chữ Nôm Tày…

3. Vùng văn hóa Bắc Bộ:  có hình tam giác bao gồm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Thái Bình và sông Mã với với tộc người Kinh sống quần tụ thành làng xã. Đây là vùng đất đai trù phú, từng là nôi của văn hóa Đông Sơn thượng cổ, văn hóa Đại Việt trung cổ… với những thành tựu phong phú về mọi mặt. Vùng này là cội nguồn của văn hóa Việt ở Trung bộ và Nam bộ sau này.

4. Vùng văn hóa Trung Bộ: là một dải đất hẹp chạy dài theo ven biển từ Quảng Bình tới Bình Thuận. Do khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn nên con người cần cù, hiếu học, thạo nghề đi biển, bữa ăn giàu chất biển, thích ăn cay (bù cho cá lạnh). Trước khi người Kinh đến, nơi đây thời gian dài từng là địa bàn cư trú của người Chăm, với nền văn hóa đặc sắc.

5. Vùng văn hóa Tây Nguyên: nằm trên sườn Đông của dải Trường Sơn, bắt đầu từ vùng núi Bình – Trị – Thiên với trung tâm là các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng. Ở đây có trên 20 tộc người nói ngôn ngữ Môn – Khmer và Nam Đảo cư trú. Vùng văn hóa đặc sắc với những trường ca sử thi (khan…), cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, rừng…

6. Vùng văn hóa Nam Bộ: nằm trong lưu vực sông Đồng Nai và hệ thống sông Cửu Long, khí hậu hai mùa mưa – nắng, mênh mông sông nước và kênh rạch. Tộc người Kinh, Hoa, Chăm tới khai phá nhanh chóng hòa nhập với thiên nhiên và cuộc sống cư dân bản đại Khmer, Mạ, Xtieng, Mnong, Choro. Nhà ở có khuynh hướng trải dài ven sông ven lộ, bữa ăn giàu thủy sản, tính cách con người phóng khoán, tín ngưỡng tôn giáo phong phú đa dạng, tiếp cận và đi đầu trong giao lưu hội nhập với văn hóa phương Tây.

1.3. Thời gian

Tiến trình văn hóa Việt Nam có thể chia ra làm 3 lớp văn hóa, với 6 giai đoạn như sau:

1. Lớp văn hóa bản địa, có 2 giai đoạn:

+  Giai đoạn văn hóa tiền sử:  hình thành nghề nông nghiệp lúa nước, trồng dâu nuôi tằm làm đồ mặc và tục uống chè, thuần dưỡng gia súc như trâu gà, làm nhà sàn và dùng các cây thuốc

+  Giai đoạn văn hóa Văn Lang – Âu Lạc:  đỉnh cao thứ nhất trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Kế tục giai đoạn tiền sử về không gian, thời gian và thành tựu văn hóa. Địa bàn cư trú của người Nam Á – Bách Việt cổ. Thời gian khoảng giữa thiên niên kỷ thứ III TCN. Nông nghiệp đạt đến đỉnh cao, thành tựu chủ yếu là nghề luyện kim, có thể có chữ viết (chữ Khoa đẩu)

2. Lớp văn hóa giao lưu văn hóa với Trung Hoa và khu vực, có 2 giai đoạn:

Đặc trưng chung của lớp văn hóa này là song song tồn tại 2 xu hướng trái ngược nhau: 1 bên là xu hướng Hán hóa về mặt văn hóa, còn bên kia xu hướng chống Hán hóa và Việt Nam hóa các ảnh hưởng của Trung Hoa.

+  Giai đoạn văn hóa thời chống Bắc thuộc: khởi đầu trước công nguyên và kéo dài đến khi Ngô Quyền giành lại được đất nước. Có 4 đặc điểm gồm: (1) Ý thức đối kháng bất khuất và thường trực đối với mối nguy cơ xâm lăng từ phong kiến phương Bắc, thể hiện qua các cuộc khởi nghĩa  (2) Sự suy tàn của văn minh Văn Lang – Âu Lạc  (3) Mở đầu cho quá trình giao lưu tiếp nhận văn hóa Trung Hoa và khu vực, cũng như quá trình văn hóa Việt Nam hội nhập với khu vực (Đông Nam Á, Ấn Độ)

+  Giai đoạn văn hóa Đại Việt:  là đỉnh cao thứ hai trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Chỉ sau 3 triều đại Ngô – Đinh – Tiền Lê lo việc gây dựng, văn hóa Việt Nam phát triển nhanh chóng, đạt thành tựu rực rỡ về mọi mặt ở 3 triều đại Lý – Trần và Lê . Thời Lý – Trần: Phật giáo hưng thịnh, tinh thần “Tam giáo đồng quy”  được hình thành trên cơ sở truyền dân tộc. Thời Lê:  Xu hướng tiếp nhận văn hóa Trung Hoa – Hán hóa trở thành chủ đạo, hình thành văn hóa Nho giáo. Sử dụng chữ Hán, hình thành và sử dụng chữ Nôm.

3. Lớp văn hóa giao lưu với văn hóa phương Tây, có 2 giai đoạn:

Đặc trưng chung của lớp văn hóa này là song song tồn tại 2 xu hướng trái ngược nhau: 1 bên là xu hướng Âu hóa về mặt văn hóa, còn bên kia là xu hướng chống Âu hóa và Việt Nam hóa các ảnh hưởng của phương Tây.

+   Giai đoạn văn hóa Đại Nam: (1) Nhà Nguyễn thống nhất về mặt lãnh thổ và tổ chức hành chính của Việt Nam từ Đồng Văn đến Cà Mau (2)  Sau thời hỗn loạn Lê – Mạc và Trịnh – Nguyễn, Nho giáo được khôi phục nhưng đi vào suy tàn (3) Khởi đầu quá trình hội nhập của nền văn hóa phương Tây, văn hóa Việt Nam hội nhập vào nền văn hóa nhân loại.

+  Giai đoạn văn hóa hiện đại: là giai đoạn văn hóa đang định hình, tiếp nhận tư tưởng K.Marx, Lênin

2. Bản sắc văn hóa Việt

Dựa vào định nghĩa văn hóa, có thể định nghĩa văn hóa Việt Nam như sau:

Văn hóa Việt Nam là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do người Việt sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa người Việt với môi trường tự nhiên và xã hội của mình.

Việc nhận diện một giá trị văn hóa có phải là đặc trưng bản sắc hay không có thể dựa vào 2 dấu hiệu (1) Là một giá trị tinh thần đã tồn tại tương đối lâu dài (2) Có tác dụng chi phối các đặc điểm khác của văn hóa (các cách ứng xử và hoạt động, các giá trị vật chất)

Đặc trưng bản sắc không phải là cái duy nhất có ở nền văn hóa đó. Nhưng bản sắc văn hóa dân tộc trong tính tổng thể của nó, trong sự phối hợp của cả hệ thống các đặc trưng thì phải cho phép phân biệt được nền văn hóa đó với nền văn hóa khác, dân tộc đó với các dân tộc khác.

Bản sắc văn hóa là cái gốc, cái căn tính của một dân tộc nên nó âm tính. Bản sắc văn hóa mang tính ổn định, lâu bền tương đối, nghĩa là nó vẫn có thể được điều chỉnh, biến đổi, nhưng sự thay đổi này rất chậm và khó khăn. Ví dụ, Việt Nam ngày nay đang tiến hành công nghiệp hóa hiện đại hóa, nhưng cái căn tính nông dân vẫn ẩn tàng và biểu hiện qua ứng xử, hành động, suy nghĩ của mọi người Việt Nam.

Bản sắc văn hóa của một dân tộc, rất gần với tính cách dân tộc. Tính cách dân tộc là những đặc trưng bản sắc quan trọng nhất, trực tiếp liên quan đến cách tư duy, cách ứng xử và cách hành động của con người.

Dựa vào các điều trên, ta có thể định nghĩa:

Bản sắc văn hóa (cultural identity) của dân tộc Việt Nam là một hệ thống các giá trị tinh thần ổn định tồn tại tương đối lâu bền hơn cả trong truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, tạo nên tính đặc thù của dân tộc Việt Nam, khu biệt dân tộc Việt Nam với các dân tộc khác.

Ta có thể hình dung văn hóa Việt Nam là nhiều vòng tròn đồng tâm, tính từ trong ra ngoài, trong đó:

(1) Bản sắc văn hóa Việt Nam là vòng tròn nhỏ nhất ở giữa, chỉ chứa các giá trị tinh thần thuộc về con người Việt Nam, mà phải là giá trị cốt lõi.

(2) Vòng tròn thứ 2 là hệ tính cách văn hóa, không chứa các giá trị vật chất, nhưng có thể chứa các giá trị tinh thần không trực tiếp thuộc về con người, ví dụ như tính sông nước.

(3) Vòng tròn thứ 3 là hệ giá trị văn hóa, bao gồm cả giá trị vật chất và giá trị tinh thần ổn định lâu dài, được hình thành từ truyền thống văn hóa bản địa.

(4) Vòng tròn thứ 4 là hệ giá trị văn hóa vật chất và tinh thần ổn định lâu dài, đã được Việt Nam hóa, được hình thành nhờ sự giao lưu tiếp biến với văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Đông Nam Á, phương Tây.

(5) Vòng tròn thứ 5 là hệ giá trị vật chất và tinh thần thay đổi nhanh chóng theo thời gian…

Hệ thống giá trị văn hóa, vật chất và tinh thần, của một dân tộc gồm có các thành phần: (1) Văn hóa nhận thức (nhận thức về vũ trụ – nhận thức về con người), (2) Văn hóa Tổ chức cộng đồng (VH tổ chức đời sống tập thể – VH tổ chức đời sống cá nhân) (3) Văn hóa ứng xử (VH ứng xử với môi trường xã hội – VH ứng xử với môi trường tự nhiên)

Bài viết này không xét đến hệ thống giá trị văn hóa Việt Nam, cả giá trị vật chất và tinh thần, một cách chi tiết, vì điều này có lượng kiến thức rất đồ sộ. Cho nên, đề nghị các bạn tìm đọc các quyển sách Cơ sở văn hóa Việt Nam của Trần Quốc Vượng, Phan Ngọc, Lê Văn Chưởng; Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm; Tiến trình văn hóa Việt Nam của Nguyễn Khắc Thuần.

II. Khái quát về truyện “thuần Việt”

1. Định nghĩa truyện “thuần Việt”

“Thuần Việt” là một khái niệm chưa có định nghĩa rõ ràng. Ta biết “thuần” là tính từ, có nghĩa là “không lẫn lộn”  theo tự điển Hán Việt của Thiều Chửu, “chịu nghe theo; quen, thạo và đã luyện tập nhiều; đều một loạt, một thứ” theo từ điển Lạc Việt. Nghĩa là, ở một mức độ nào đó, có thể hiểu “thuần Việt” tức là chỉ những thứ cốt lõi, bản địa, đồng nhất, không bị pha tạp, lẫn lộn của người Việt, ví dụ: từ thuần Việt.

Như vậy, “thuần Việt” có thể xem là tương đương với khái niệm bản sắc văn hóa Việt, chỉ những giá trị tinh thần cốt lõi của người Việt. Tác phẩm văn học là một thành tố của hệ thống văn hóa, nên mang đầy đủ những đặc trưng và chức năng của văn hóa, định vị được bằng hệ tọa độ văn hóa.

Suy ra, ta có thể định nghĩa truyện “thuần Việt” như sau:

Truyện “thuần Việt” là sản phẩm văn hóa thuộc lĩnh vực nghệ thuật ngôn từ, xếp vào thành phần Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân, do người Việt Nam sáng tạo qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Truyện thuần Việt thể hiện được hệ thống giá trị tinh thần cốt lõi của văn hóa Việt Nam, tạo được sự khác biệt giữa truyện của dân tộc Việt Nam với truyện của các dân tộc khác.

Nói ngắn gọn, truyện “thuần Việt” là tác phẩm văn học do người Việt sáng tạo thể hiện được bản sắc văn hóa Việt.

Nghệ thuật ngôn từ Việt Nam có 3 đặc trưng cơ bản sau (1) Tính biểu trưng cao thể hiện ở xu hướng khái quát hóa, ước lệ hóa với các cấu trúc cân đối hài hòa (2) Giàu chất biểu cảm – sản phẩm tất yếu của một nền văn hóa trọng tình (3) Tính động, linh hoạt, thể hiện trong cấu trúc ngữ pháp, khả năng khái quát cao.  Ngoài ra, truyền thống văn chương Việt Nam thiên về thơ ca hơn văn xuôi.

2. Định vị truyện “thuần Việt”

Truyện “thuần Việt” được định vị chung nhất như sau: (1) Chủ thể: truyện do người Việt sáng tạo, nói về người Việt (2) Không gian: thuộc lĩnh vực văn học Việt, thể hiện văn hóa Việt trên lãnh thổ Việt Nam (3) Thời gian: được viết trong bất cứ giai đoạn nào thuộc tiến trình văn hóa Việt, hoặc nội dung phản ánh được văn hóa Việt trong bất cứ giai đoạn nào thuộc tiến trình văn hóa Việt.

Dựa vào định vị chung này, có thể loại bỏ những truyện thuộc dạng sau: (1)  Chủ thể: không do người Việt sáng tạo, hoặc không nói về người Việt  (2)  Không gian: không thuộc lĩnh vực văn học Việt, hoặc không thể hiện văn hóa Việt trên lãnh thổ Việt Nam  (3)  Thời gian: không được viết trong bất cứ thời kỳ nào thuộc tiến trình văn hóa Việt, nội dung không phản ánh được văn hóa Việt trong bất cứ giai đoạn nào thuộc tiến trình văn hóa Việt.

Có thể thấy, số lượng tác phẩm văn học được xem là truyện “thuần Việt”  sẽ vô cùng ít.  Các tiêu chí đánh giá một truyện “thuần Việt” là vô cùng khắc khe.

Trong trường hợp này, truyện “thuần Việt” được mặc định có đầy đủ 4 đặc trưng của văn hóa Việt Nam về tính nhân sinh, tính lịch sử, tính hệ thống và tính giá trị. Mức độ ổn định và hoàn chỉnh của 4 đặc trưng này đối với từng truyện “thuần Việt” có thể khác nhau, nhưng không được dưới mức trung bình, hoặc rơi vào trường hợp “rác phẩm”.

III. Kết luận

Qua những điều đã nêu về văn hóa Việt Nam và truyện “thuần Việt”, có thể thấy thứ duy nhất không thể thay đổi trong một truyện “thuần Việt” chính là giá trị tinh thần cốt lõi của bản sắc văn hóa Việt Nam mà truyện truyền tải, còn những mặt khác đều có thể thay đổi.

Bởi vì văn hóa Việt Nam tính theo (1) chủ thể là một cộng đồng người đa sắc tộc, mỗi tộc người có bản sắc riêng (2) không gian lãnh thổ gồm 6 vùng văn hóa, mỗi vùng có những đặc điểm riêng (3) thời gian là một tiến trình văn hóa gồm 3 lớp – 6 giai đoạn, mỗi giai đoạn có đặc trưng riêng.

Ngoại trừ bản sắc văn hóa Việt Nam, những giá trị vật chất và tinh thần khác đều không thuần nhất, không đồng đều ở các dân tộc, các vùng miền, các giai đoạn.

Cho nên, không thể có một kiểu truyện “thuần Việt” tuyệt đối. Nói cách khác, chỉ có truyện “thuần Việt” tương đối, khi đặt truyện đó vào một hệ tọa độ cụ thể, xem xét 4 đặc trưng một cách chi tiết.

Nếu sử dụng vấn đề “thuần Việt” để bắt đầu đánh giá một truyện, sẽ bỏ qua tất cả các giá trị vật chất và tinh thần khác nằm ngoài “vòng tròn bản sắc văn hóa Việt Nam”. Dẫn đến việc thiếu tính bao quát, thiếu tính thuyết phục, không thể xem xét toàn diện hệ thống giá trị văn hóa mà tác phẩm thể hiện.

Để tránh khỏi tình trạng này, khi xem xét một tác phẩm văn học, nhìn theo hướng văn hóa, dựa vào những vòng tròn đồng tâm của văn hóa, sẽ phải khảo sát theo chiều từ ngoài vào trong, từ vòng tròn thứ (5) đến vòng tròn thứ (1).

Đề xuất:

Không dùng khái niệm truyện “thuần Việt”, chỉ dùng khái niệm truyện Việt.

Truyện Việt là sản phẩm văn hóa thuộc lĩnh vực nghệ thuật ngôn từ, xếp vào thành phần Văn hóa tổ chức đời sống cá nhân, do người Việt Nam sáng tạo qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Truyện Việt thể hiện được một hệ thống giá trị tinh thần của văn hóa Việt Nam, tạo được sự khác biệt tương đối giữa truyện của dân tộc Việt Nam với truyện của các dân tộc khác.

Định vị truyện Việt (1) Chủ thể: do người Việt Nam sáng tạo (2) Không gian: thuộc lĩnh vực văn học Việt Nam (3) Thời gian: được viết trong bất cứ giai đoạn nào thuộc tiến trình văn hóa Việt Nam.

Để đánh giá tính lịch sử, tính nhân sinh và tính hệ thống của một truyện Việt là cao hay thấp, mời xem lại Phần 1 của loạt bài viết. Ở đây, chỉ đánh giá tính giá trị khi đi sâu vào tác phẩm.

Để đánh giá một truyện thể hiện được văn hóa Việt Nam đến mức độ nào, tức là chạm được đến vòng tròn giá trị thứ mấy từ (5) đến (1), phải tổng hợp nhiều yếu tố, các yếu tố này phải tạo nên một hệ thống chặt chẽ. Những gì được nêu ra đây chỉ là khái quát chung nhất, tùy từng trường hợp cụ thể mà có bảng khảo sát riêng, xem xét mức độ hoàn chỉnh của từng yếu tố.

– Văn phong: tuân thủ quy tắc sử dụng tiếng Việt về mặt từ ngữ và ngữ pháp đối với chữ Quốc ngữ, không chấp nhận bất cứ ngôn ngữ nào khác. Thậm chí việc đặt tên truyện bằng ngoại ngữ cũng không được phép, trừ khi những từ ngoại ngữ là thuật ngữ khoa học, hoặc có mối liên hệ chặt chẽ với nội dung truyện như tên bài thơ, bài hát… Ngoài ra, nếu là tác phẩm viết bằng chữ Hán Nôm thì phải tuân thủ nguyên tắc của chữ Hán Nôm.

– Nhân vật:  mang đặc điểm tâm lý, sinh lý của con người là chủ thể thuộc nền văn hóa Việt Nam, tuy nhiên vẫn cho phép nhân vật không phải người Việt. Giá trị tinh thần mà nhân vật thể hiện phản ảnh được phần nào hệ tính cách văn hóa Việt Nam. Tạo hình nhân vật, xuất thân, hành động, ngôn ngữ… phải được thể hiện bằng văn phong, bối cảnh và tình tiết phù hợp

–  Bối cảnh: miêu tả được những giá trị vật chất và tinh thần của văn hóa Việt Nam. Những giá trị này được sáng tạo và tích lũy lâu dài, là nét đặc trưng của văn hóa Việt. Bởi vì giá trị vật chất thuộc vòng tròn thứ (3), cho nên bối cảnh thể hiện những giá trị có thể biến đổi theo thời gian. Tuy nhiên, bối cảnh phải tuyệt đối đúng với lịch sử văn hóa Việt Nam trong từng giai đoạn mà nhân vật sinh sống. Việc đầu tư cho bối cảnh để thấy được sự “thuần Việt” là vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải nghiên cứu tỉ mỉ . Nếu bối cảnh do tác giả sáng tạo, hoặc thuộc thế giới tương lai, vẫn phải thể hiện sự hợp lý với những nét văn hóa Việt Nam được miêu tả.

– Tình tiết: không mâu thuẫn với những giá trị tinh thần của văn hóa Việt, giá trị tinh thần này thể hiện ở nhân vật của truyện, gắn chặt với thời đại mà nhân vật được đặt vào. Thông điệp truyền tải xuyên suốt thể hiện được văn hóa đặc thù của giai đoạn văn hóa Việt Nam cụ thể. Những tình tiết phải có tính hệ thống, hợp lý, không mâu thuẫn với văn phong, bối cảnh và nhân vật.

Ngoài lề:

Thông thường, xem xét một truyện được “Việt” đến mức độ nào thường dành cho cổ trang, thật ra truyện hiện đại cũng phải được tính đến. Nhưng khả năng của người viết bài này có hạn, nên xin miễn cho việc phân chia chi tiết.

Việc truyện Việt bị ảnh hưởng bởi một trào lưu văn học của nước ngoài không chỉ gần đây mới xuất hiện, ngày trước văn học phương Tây, manga Nhật Bản… đã ảnh hưởng rất nhiều trong giới viết lách trên mạng, nhưng sự ảnh hưởng này không bị gạch đá quá đáng, còn việc người viết bị ảnh hưởng bởi ngôn tình đam mỹ lại bị đả kích mạnh mẽ. Nguyên nhân bề nổi là vì giá trị của ngôn tình đam mỹ không cao, sự phản ứng quá khích của những người Việt đọc loại truyện này khi bị chỉ trích… Còn nguyên nhân sâu xa, có lẽ chính là tâm lý “bài Hoa”, hay xu hướng chống “Hán hóa”. Kiểu tâm lý này gần như là một nét văn hóa của người Việt, bị quy định bởi hoàn cảnh lịch sử văn hóa địa lý chính trị… của dân tộc Việt Nam trong mối quan hệ với Trung Hoa suốt mấy ngàn năm.

Văn hóa Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là một kiểu “đại đồng tiểu dị”. Người viết chắc tay, kiến thức sâu rộng có thể khai thác được những điểm “tiểu dị”, còn người viết không tốt thì chỉ thể hiện được vấn đề “đại đồng”. Nếu muốn đánh giá người khác, cũng cần một chút tế nhị, cũng phải xem xét trình độ của người viết. Có thể, chính bản thân người viết cũng không biết là mình đang sai ở đâu, sai cái gì. Cho nên, hy vọng những người biết hãy rộng lòng mà chỉ dẫn cho người chưa biết. Nếu đã lịch sự trao đổi, mà người viết vẫn không tiếp thu, thì xem như con bệnh đã hết thuốc chữa, không cần nhọc lòng.

Bản thân tôi nghĩ, văn hóa Trung Hoa không xấu, nền văn hóa này rất rực rỡ, rất đáng để học hỏi. Cha ông ta đã biết chọn lọc những tinh hoa để tiếp thu, biến những điều này thành của Việt Nam, vậy vì sao thế hệ chúng ta lại không thể? Sợ hãi bị đồng hóa là do bản lĩnh văn hóa kém cỏi, càng sợ hãi, càng thể hiện sự kém cỏi.

Câu kết:

“Nếu không phải truyện Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc bất cứ nước nào khác, thì đó là truyện Việt Nam”. 

.

Bài tiếp theo Phần 3:   “Kinh nghiệm” viết truyện cổ trang Việt

.

Tài liệu tham khảo:

1.Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Cơ sở văn hóa Việt Nam, giáo trình Nhập môn Văn hóa học của GS Trần Ngọc Thêm.

2. Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ do GS Trần Ngọc Thêm chủ biên

3. Từ điển Lạc Việt, Tự điển Hán Việt của Thiều Chửu

2. Kinh nghiệm đọc và viết truyện của bản thân + kiến thức 4 năm tích góp trên giảng đường do thầy cô truyền dạy + kiến thức tự đào bới sau khi ra trường

7 thoughts on “[ Viết ] Truyện “thuần Việt” là như thế nào

  1. Pingback: [ Tự kỷ ] “Rác phẩm” dưới góc nhìn văn hóa | Lạc Hoa Viên

  2. Muốn hỏi một câu: Như vậy Truyện Kiều chắc không phải truyện Việt? Vì nó không đáp ứng được bất cứ yêu cầu nào ở trên?

    Nhân tiện, mình thấy bạn rất hâm mộ và hay trích dẫn sách của Trần Ngọc Thêm, mong bạn đọc thêm bài này của giáo sư Lê Thành Khôi: http://talawas.org/talaDB/showFile.php?res=570&rb=0302

    Về sách văn hóa của Trần Ngọc Thêm, đã có rất nhiều bài phản biện của các giáo sư, những nhà văn hóa, nếu bạn có thể tìm đọc thêm thì hay hơn. Giáo sư Lê Thành Khôi là một nhà nghiên cứu văn hóa chuyên sâu ở cấp độ quốc tế, chắc bạn cũng biết.

    Nên mình xin lỗi là về nhiều định nghĩa, khía cạnh, mình không thể đồng ý với bạn. Cụ thể là cái “trọng tĩnh”. Mà cái gốc đã không đồng ý với nhau thì sẽ có rất ít điểm để nói, vì hình như nó chính là cái “vòng tròn thứ nhất” của bạn.

    Vì bạn rất có hứng thú với văn hóa nên mình cảm thấy bạn tự bó buộc vào sách của Trần Ngọc Thêm, một cuốn sách đã bị các giáo sư đầu ngành chỉ trích không tiếc lời, là sự thiệt thòi cho bạn. Bằng không, xin lỗi bạn vì sự đường đột của mình.

    • Cảm ơn bạn đã đọc 🙂 Mình cũng có một số điều trao đổi thế này 🙂

      1. Đầu tiên là “why so serious” =)) Nếu bạn đọc “Rách phẩm” dưới góc nhìn văn hóa, bạn sẽ hiểu mục đích của mình chỉ là “chia sẻ suy nghĩ và quan điểm cá nhân” và mình cũng nói rất rõ ràng “xin đừng soi mói và gây chiến nhân danh khoa học”. Nhưng mình rất cảm ơn bạn vì đã chia sẻ suy nghĩ và quan điểm một cách lịch sự.

      2. Mình đã nói ngay đầu là “chỉ xét văn xuôi”, chính xác hơn là truyện. Vì sự thiếu hiểu biết của mình về thơ ca, mặc dù đều là văn chương, nhưng cách hiểu một bài thơ và một truyện có “nhân vật, tình tiết, bối cảnh…” là không giống nhau. Tiêu đề cũng là “truyện” không phải “thơ”. Còn Truyện Kiều, quan điểm của mình, nếu chuyển thành văn xuôi, sẽ mất đi 50% giá trị, và nếu xét theo định vị thì truyện Kiều (văn xuôi) là truyện Việt, và nếu xét tiếp bằng cái vòng tròn văn hóa, tuy truyện Kiều không Việt 100% nhưng cũng Việt ở một mức độ nào đó, “đại đồng tiểu dị”. Mình đánh giá cao Truyện Kiều, cũng rất ngưỡng mộ nghệ thuật làm thơ của cụ Nguyễn Du, nhấn mạnh là “thơ”

      3. Tất nhiên là mình biết sách của GS Trần Ngọc Thêm bị phản bác vì những thiếu sót, thậm chí nói khó nghe là bị “chửi”. Và mình cũng nghĩ một số điều phản bác là đúng. Bởi vì khoa học nhân văn là một ngành không thể có sự đúng tuyệt đối. Mỗi nhà khoa học đi theo một hệ thống lý thuyết của mình. Nếu tất cả đều giống nhau, thì làm gì có quá nhiều trường phái, lý thuyết như bây giờ, làm gì có tranh cãi, làm gì được gọi là khoa học.

      Bản thân mình đã tìm hiểu qua các học thuyết văn hóa của những nhà nghiên cứu khác. Nhưng khi viết bài, phải đứng trên một lập trường quan điểm, cơ sở lý luận của một học thuyết cụ thể nào nào đó. Trừ khi là thiên tài và sáng tạo ra một học thuyết mới. Mình không phải thiên tài, càng không phải nhà nghiên cứu khoa học, cho nên không có khả năng sáng tạo, cũng không có khả năng kết hợp các học thuyết với nhau.

      Ngoài góc nhìn văn hóa, để nghiên cứu văn học, có thể nhìn từ các góc nhìn khác như tâm lý học, nhân học, xã hội học… và mỗi ngành lại có những hệ thống lý luận của riêng mình. Nhưng vì sao chọn “trường phái văn hóa học Sài Gòn”, cách gọi đùa vui (mỉa mai) khác là “trường phái văn hóa học TNT = thuốc nổ”? Bởi vì nó phù hợp với vấn đề mình muốn nêu, theo cảm nhận của mình. Và nó là “trường phái” mình nắm rõ nhất. Nói một cách nào đó thì việc “nắm rõ” cũng là bó buộc nhỉ !?

      Câu cuối, mình không cho rằng bài viết đúng 100%, không có gì là tuyệt đối cả. Và nhờ comt của bạn thì mình sẽ cảnh báo cho mọi người ở đầu bài viết.

      Chúc vui vẻ 🙂

    • Mình có ý kiến nhỏ thế này, chả liên quan mấy đâu… Theo mình, Truyện Kiều được ca ngợi và có giá trị văn học vì nó là thơ, nó không phải thơ thì nó chỉ là 1 cái ngôn tình cẩu huyết không có giá trị gì ngoài tính giải trí cho cái gái cuồng ngược. Mình phục lắm cái tài của Nguyễn Du, có thể biến cái ngôn tình ấy thành nghệ thuật, quá tài. Người ta nói ko sai, nội dung cliché, bằng bằng chan chán nhưng cách thể hiện tài tình thì vẫn ra siêu phẩm :”>

  3. *che mặt* phải chăng người ấy nên đi tìm bài so sánh giữa sự khác nhau của “KIM VÂN KIỀU truyện” và “Đoạn trường tân thanh” để đọc, nhớ tìm bài viết của một giáo sư đáng tin cậy mà đọc nhé. Ngoài ra, xin hãy tự đọc, tự cảm nhận cả hai tác phẩm trên. NHỚ đặt vào hoàn cảnh lịch sử, xem xét kỹ những nhân vật và ý nghiã thật sự mà cổ nhân muốn nêu lên. Đừng đọc và suy nghĩ theo lối tình yêu, tình báo hiện thời. Mà lảm nhảm tý. Theo tôi, Nguyễn Du “khiến” đời Kiều long đong không phải ông bị “cuồng ngược” hay lai tạo thánh nữ như các hậu bối ngu si vẫn quánh giá. Thứ mà ông muốn nói, là dù có nhan sắc, tài vặt đến đâu, người phụ nữ thiếu lý trí và đa đoan quá sống trên đời tự khắc sẽ rước hoạ vào thân

  4. Pingback: [ Tự kỷ ] “Kinh nghiệm” viết truyện cổ trang Việt | Lạc Hoa Viên

Leave a comment