[ Tự kỷ ] Khoa học viễn tưởng, tưởng không gần mà gần không tưởng

3 bộ phim khoa học viễn tưởng về phân biệt đẳng cấp xã hội gây ấn tượng với tui gần đây là The Platform (Hố Sâu Đói Khát), Snowpiercer (Chuyến Tàu Băng Giá) và Elysium (Kỷ Nguyên Elysium). Đều là phim điện ảnh, có phim nghiêng về nghệ thuật, có phim nghiêng về giải trí nhưng đều tạo ra những suy nghĩ sâu sắc ở người xem.

3 phim này mang tính chất viễn tưởng, ngoại trừ The Platform có thể trở thành hiện thực ngay bây giờ và ngay lúc này. Nếu chúng ta so sánh sự phân tầng xã hội hiện tại với những tầng lớp trong 3 phim sẽ thấy sự tương đồng rất lớn. Ở một tương lai không xa khi nhân loại đối mặt với biến cố thảm khốc như những kỵ sĩ Khải Huyền: bệnh tật, nạn đói, chiến tranh, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên… thì những điều viễn tưởng sẽ thành sự thật.

Những điều các nhà khoa học như Yuval Noal Harari, Jared Diamond, Ian Morris… dự đoán về tương lai đã được các nhà làm phim biến thành hình ảnh, nghệ thuật chứa đựng sự tàn nhẫn và độc ác của nhân loại, cũng như sự bất bình đẳng hiện thời, khi một người ở các nước phát triển sử dụng năng lượng và có cuộc sống tốt gấp 32 lần một người ở các nước nghèo đói thuộc thế giới thứ 3.

Những nguồn tài nguyên trên Trái Đất được phân bố không đồng đều, sự chênh lệch cực đoan của giàu sang và nghèo đói. Đầu tiên là thức ăn, sau đó là tuổi trẻ, sức khỏe, sắc đẹp… đi cùng với quyền lực, địa vị… Chứa đựng trong những phân đoạn hành động kịch tính, bạo lực, tưởng chừng như ngu xuẩn, nhưng lại là cách phản kháng duy nhất, khi những thỏa hiệp xã hội giúp người nghèo có cuộc sống tốt hơn không thể thực hiện.

The Platform nói về vấn đề cơ bản nhất, thức ăn. Con người muốn sống phải có thức ăn. Những nhân vật được chia ra ở các tầng trong một ngôi nhà. Đó là một cuộc thí nghiệm về nhân tính. Những người ở tầng trên có đầy đủ thức ăn nhất, càng xuống dưới càng hạn chế. Sự thay đổi người ở các tầng sẽ diễn ra ngẫu nhiên theo thời gian… Điểm thú vị là thức ăn và lượng carlo vốn dĩ đủ cho mọi người, nếu những tầng trên không phung phí và hủy hoại, nhưng đáng tiếc, chuyện đó là không thể…. Người xem sẽ được chứng kiến vô số sự việc xảy ra từ thiện đến ác, từ đức hạnh đến suy đồi… cũng như nhân vật chính.

Snowpiercer có một đạo diễn và dàn diễn viên tương đối nổi tiếng, nội dung cũng kịch tính hơn The Platform. Phim cũng xoay quanh sự phân tầng xã hội, bất bình đẳng trong chia sẻ tài nguyên nhưng mọi chuyện diễn ra trên một toa tàu chạy quanh Trái Đất. Thế giới chìm vào kỷ băng hà, con người muốn sống phải trốn lên tàu. Chuyến tàu Noal bất công khi càng về đầu tàu càng có nhiều quyền loại. Mọi toa tàu là những giai cấp khác nhau. Số lượng nhân vật cũng nhiều hơn The Platform cho nên những cảnh hành động cũng dẫm máu, hoành tráng hơn, dù chỉ diễn ra trên tàu.

Elysium là phim ít tiếng tăm nhất trong số 3 phim, mặc dù có diễn viên chính nổi tiếng. Thật sự là nội dung phim không xuất sắc trong thể loại khoa học viễn tưởng, tuy nhiên, những công nghệ tương lai trong phim lại thể hiện chính xác những dự đoán của Yuval Noal Harari. Đặc biệt là công nghệ y học, con người không chỉ phân biệt giàu nghèo về tiền bạc, mà còn về sức khỏe, nhan sắc. Nhân loại chia thành 2 tầng lớp, những người giàu sống trên Elysium như một trạm không gian bên ngoài Trái Đất, với đầy đủ tài nguyên, người nghèo ở lại Trái Đất, chịu đựng sự ô nhiễm, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên…

3 bộ phim kể trên đều có mâu thuẫn xã hội, chúng được đẩy lên đỉnh điểm và diễn ra những cuộc cách mạng bạo lực để thay đổi hiện trạng, khi những thỏa hiệp dân sự đã thất bại, hoặc chưa từng được thực hiện. Người giàu không muốn đối thoại, ích kỷ vun vén cho riêng họ và mặc kệ những kẻ còn lại. Mọi chuyện có xảy ra như thế giới hiện tại hay không? Đương nhiên là có. Nhưng phim cũng như hiện tại, luôn có những hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, khi còn nhân tính và tử tế suy xét về sự công bằng.

Một người không thể thay đổi thế giới, nhưng có thể thay đổi chính mình. Nhiều người cùng thay đổi chính họ để trở nên tốt hơn thì thế giới sẽ thay đổi.

One thought on “[ Tự kỷ ] Khoa học viễn tưởng, tưởng không gần mà gần không tưởng

  1. Pingback: [ Tự kỷ ] Thức ăn, tiền bạc và cái chết – Lạc Hoa Viên

Leave a comment