[ VHH ] Văn minh trà Việt – Trịnh Quang Dũng

.

van minh tra viet

.

Văn minh trà Việt của nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng do nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành. Đây là cuốn sách lớn gồm 400 trang, lượng kiến thức khá đồ sộ được chia ra 4 phần chính: I. Minh triết cội nguồn trà Việt; II. Nghệ thuật thưởng trà Việt; III. Hành trình trà cụ Việt xuyên thế kỷ; IV. Nghiệp chè Việt.  Khi đọc xong cuốn sách này, tôi vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn. Không phải vì tác giả viết không hay, thiếu logic hay hạn chế về tư liệu, mà vì trà Việt có quá nhiều thứ tác giả không thể viết hết, tác giả đã phải biên tập và bỏ đi nhiều để quyển sách cô đọng khi xuất bản. Tôi thật sự mong được đọc một công trình lớn hơn về trà Việt.

Không giống như Trà kinh của Lục Vũ chỉ nói về trà Trung Quốc, Trà Kinh của Vũ Thế Ngọc về trà nói chung và một phần trà Việt. Văn minh trà Việt chỉ nói về trà Việt, một cách chi tiết, đa dạng và phong phú, cả về mặt thời gian, không gian và chủ thể. Tuy cũng có hạn chế vì tinh thần dân tộc quá cao nên vài nhận định khá chủ quan thiếu thuyết phục, nói cách khác là chém gió. Tôi thích nhất là những bài thơ, ca dao được sách dẫn ra để nói về trà.

I. Minh triết cội nguồn trà Việt: Nói về cội nguồn cây trà, tư liệu từ nhiều nguồn như truyền thuyết, lịch sử, địa lý, thư tịch, sinh vật học, khảo cổ học… Nói về triết lý và thuộc tính của trà Việt, đường Trà Mã Cổ Đạo… Biên niên sử về trà Việt trước và sau công nguyên

II. Nghệ thuật thưởng trà Việt: Được phân ra thành nghệ thuật thưởng trà dân giá với trà tươi, tức trà xanh, trà nụ, trà đá và cả cách chơi cây kiểng là các lão trà nổi tiếng mấy trăm tuổi; Nghệ thuật thưởng trà cung đình nhấn mạnh vào triết lý Trà Nô, từng loại trà cụ và những vật liên quan như than, bếp lò, trà đình… Phân loại trà, cách pha trà, cách thưởng trà… Các nguồn danh thủy của Việt Nam. Các loại danh trà Việt Nam vẫn còn hoặc đã thất truyền, suốt chiều dài đất nước.

III. Hành trình trà cụ Việt xuyên thế kỷ: Chia theo thời gian từ cổ đại Văn Lang – Âu Lạc – Nhà Triệu cho đến các vương triều phong kiến Việt Nam trong suốt một ngàn năm, và cả thời hiện đại với những dòng gốm sứ xuất khẩu. Đọc phần này sẽ hiểu thêm nhiều điều về lịch sử gốm sứ của Việt Nam như Chu Đậu, Bát Tràng, Bình Dương… Sự giao lưu về trà cụ với nước ngoài, cả Đông lẫn Tây.

IV. Nghiệp chè Việt: Giới thiệu về nghề trà trong lịch sử Việt Nam, những vùng trồng chè nổi tiếng theo thời gian và không gian. Cách chế biến những loại trà đặc sản. Nghề kinh doanh trà Việt từ xưa đến nay trên khắp mọi miền đất nước.

Đọc qua quyển sách này, tôi thật sự rất tự hào vì Việt Nam đã có một nét đẹp văn hóa về trà suốt ngàn năm như vậy. Trà Việt dù được thưởng thức theo cách cầu kỳ hay dân dã đều mang màu sắc Việt Nam. Trà xuất hiện trong đời sống văn hóa hàng ngày của người Việt, là điều phải bảo tồn, phát huy và trân trọng. Nói chung là ai mê văn hóa thì nên đọc quyển này, vì sách còn có một list tài liệu tham khảo để bạn mở rộng kiến thức, ai thích viết cổ trang cũng nên đọc.

 

Leave a comment